Để thuận tiện cho nhu cầu của Quý khách hàng, Luật Nam Phát xin tóm lược một số quy định pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển đổi như sau:
Các phương thức chuyển đổi:
• Chuyển đổi mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức cá nhân khác:
Trường hợp này có thể hiểu là không có sự thay đổi về vốn hoặc chủ sở hữu mà chỉ thực hiện thay đổi duy nhất một yếu tố là loại hình công ty.
• Chuyển đổi bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn:
Trường hợp này ngoài thay đổi loại hình công ty còn có sự thay đổi về chủ sở hữu; đó là những tổ chức, cá nhân góp thêm vốn và tăng vốn điều lệ.
• Chuyển đổi bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác:
Trường hợp này tuy không có sự thay đổi vốn điều lệ nhưng có sự thay đổi về chủ sở hữu do có sự chuyển nhượng vốn.
• Kết hợp các phương thức trên:
Tùy từng trường hợp mà các thủ tục khác sẽ phát sinh.
Bước 1: Nếu phát sinh tăng hoặc giảm vốn điều lệ thì thủ tục này được thực hiện như sau:
Với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ, công ty phải gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch – Đầu tư.
Hồ sơ gồm:
• Thông báo tăng vốn, thể hiện các nội dung: Tên, địa chỉ, trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; vốn điều lệ; số vốn dự định tăng; thời điểm, lý do và hình thức tăng vốn; họ tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
• Nghị quyết của Hội đồng thành viên về việc tăng vốn;
• Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc tăng vốn.
Thời hạn: Trong vòng 03 ngày làm việc, Sở Kế hoạch – Đầu tư sẽ cập nhập số vốn mới.
Với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
Khi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển đổi thành công ty cổ phần mà có phát sinh thủ tục tăng vốn điều lệ thì có 2 lựa chọn:
Tăng vốn trước rồi chuyển đổi: Với trường hợp này thì chủ sở hữu công ty nộp hồ sơ tăng vốn đến Sở Kế hoạch – Đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc tăng vốn.
Hồ sơ gồm:
• Thông báo tăng vốn, thể hiện các nội dung: Tên, địa chỉ, trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; vốn điều lệ; số vốn dự định tăng; thời điểm, lý do và hình thức tăng vốn; họ tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
• Quyết định của chủ sở hữu về việc tăng vốn.
Tuy nhiên, cách này có thể gây ra sự nhập nhằng về vốn khi nhiều người cùng muốn góp vốn nhưng về mặt pháp lý thì lại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Chuyển đổi thành công ty cổ phần rồi tăng vốn: Trường hợp này áp dụng khi doanh nghiệp muốn huy động thêm vốn góp từ người khác. Lúc này, công ty trách nhiệm hữu hạn phải thực hiện bước 2 trước rồi mới thực hiện tăng vốn như sau:
Hồ sơ bao gồm:
• Thông báo tăng vốn: Tên, địa chỉ, trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; vốn điều lệ; số vốn dự định tăng; thời điểm, lý do và hình thức tăng vốn; họ tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
• Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn;
• Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn.
Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên rồi tăng vốn và chuyển thành công ty cổ phần.
Bước 2: Thực hiện chuyển đổi loại hình công ty
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi, công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty tại Sở Kế hoạch – Đầu tư.
Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
• Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
• Điều lệ công ty chuyển đổi;
• Quyết định của chủ sở hữu công ty hoặc Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên hoặc của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;
• Danh sách thành viên hoặc danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
• Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
• Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
• Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài;
• Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.
Lưu ý: Các tài liệu, giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt có công chứng, chứng thực.
Thời hạn: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Quý khách hàng có nhu cầu thay đổi loại hình công ty kết hợp thực hiện thủ tục tăng vốn cũng như có thắc mắc về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, xin vui lòng liên hệ Luật Nam Phát để được hướng dẫn thêm!