Ví Điện Tử là một công cụ quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Đóng vai trò như 1 chiếc Ví tiền mặt trong thanh toán trực tuyến, Ví điện tử giúp bạn thực hiện công việc thanh toán các khoản phí trên internet đơn giản và nhanh chóng. Vậy muốn đăng ký dịch vụ ví điện tử cần hồ sơ như thế nào ?
Căn cứ pháp lý
• Nghị định Số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt
• Nghị định Số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt
• Thông tư Số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán
Dịch vụ ví điện tử là gì?
Theo nghị định Nghị định Số 80/2016/NĐ-CP dịch vụ ví điện tử là “dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện …gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.
Tổ chức không phải là ngân hàng muốn được hoạt động dịch vụ trung gian thanh toán phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
Điều kiện để doanh nghiệp được phép hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử:
• Có giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
• Có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức, trong đó tối thiểu phải có các nội dung: Quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép; cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp; quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình cung ứng dịch vụ;;
• Có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng;
Điều kiện về nhân sự
• Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị cấp phép phải có bằng đại học trở lên hoặc có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật;
• Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm;”
Điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ gồm:
• Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và quy định của Ngân hàng Nhà nước; hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố; quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật và phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với dịch vụ trung gian thanh toán trong các giao dịch điện tử theo quy định hiện hành của pháp luật.
• Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan;
• Đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài Khoản tại nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện chuyển mạch và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức;
• Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.
• Trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có hệ thống thông tin kế toán quản trị đảm bảo theo dõi riêng được nguồn vốn, tài sản và xác định được kết quả của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
• Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng.
• Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 39/2014/TT-NHNN thì tổ chức cung ứng đăng ký dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ. Số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm. Tài khoản đảm bảo thanh toán chỉ được sử dụng vào việc thanh toán tiền cho các đơn vị chấp nhận thanh toán và hoàn trả tiền cho khách hàng sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu.
Thành phần hồ sơ đăng ký dịch vụ ví điện tử
• Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước quy định;
• Biên bản hoặc Nghị quyết họp Hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị (hoặc Đại hội cổ đông phù hợp với quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức) thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
• Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
• Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật và Biên bản nghiệm thu thử nghiệm kỹ thuật với một tổ chức hợp tác;
• Hồ sơ về nhân sự: Sơ yếu lý lịch, bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
• Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức (bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu).
Số lượng hồ sơ: 05 bộ
Thời hạn của Giấy phép: 10 năm tính từ ngày tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ: Ngân hàng Nhà nước
Lưu ý
• Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, tổ chức phải tiến hành triển khai hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, nếu không sẽ bị thu hồi.
• Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chỉ được phát hành 01 (một) Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng;
• Không được cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
• Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng.
Vì tính chất phức tạp, rườm rà của các thủ tục, chúng tôi khuyên bạn nên tìm đến sự tư vấn của luật sư có chuyên môn.
Luật Nam Phát với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này sẽ hỗ trợ bạn thực hiện mọi thủ tục cần thiết. Mọi thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Luật Nam Phát theo thông qua số điện thoại hotline 0902 845 039