Thẩm quyền cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới nhất năm 2019

“Tôi có ý định mua một mảnh đất, mảnh đất này có nguồn gốc của quân đội cấp cho cán bộ trong ngành, nay đã có người khác mua lại và họ đã làm sổ đỏ. Sổ đỏ do thành phố cấp chứ không phải do phòng tài nguyên môi trường của huyện cấp. Theo như hiểu biết của tôi thì sổ đỏ là do phòng tài nguyên môi trường của huyện cấp, vậy sao sổ đỏ mảnh đất này lại do thành phố cấp?” 

Vấn đề về thẩm quyền cấp sổ đỏ phải xem xét đối tượng muốn cấp sổ là đối tượng nào? Bạn đang muốn cấp mới, cấp đổi, hay chuyển đổi? Nếu địa phương bạn đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trong các trường hợp sau:

+ Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Cụ thể hơn:

1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là giấy tờ pháp lý chứng minh, xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác. Theo quy định của Luật đất đai 2013 thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyến sử dụng đất được quy định như sau:

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Bạn không rõ về thẩm quyền cấp sổ đỏ như thế nào là bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật? Theo quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 hướng dẫn cụ thể, bạn có thể tham khảo:

“+ Cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương: Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

+ Cấp huyện/quận: Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.”

2. Thẩm quyền xin cấp lại sổ đỏ bị mất, cũ, rách, hỏng

Bạn đã từng được cấp sổ đỏ nhưng có thể bị mất, thất lạc, hỏng, cháy, rách hoặc cũ nát không nhìn rõ, không sử dụng được thì các bạn có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại. Tuy nhiên, cơ quan nào sẽ có thẩm quyền cấp lại cho các bạn? Điều 37 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:

Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ. Cụ thể:

Cấp đổi, cấp lại sổ đỏ, sổ hồng, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

“+ Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.”

Vậy, việc cấp sổ do thành phố cấp hay UBND huyện cấp thì vẫn đúng thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật tuỳ vào đối tượng yêu cầu. Vấn đề thẩm quyền cấp sau này sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền thu hồi, thẩm quyền bồi thường, cho thuê,… nên việc xác định việc đúng thẩm quyền sẽ quyết định đến tính chất đúng sai của sổ đỏ bạn được cấp.