Theo quy định của pháp luật hình sự, các công dân khi thực hiện các hành vi vi phạm các tội danh được quy định tại Bộ luật hình sự và đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, phát hiện tội phạm không phải bất cứ hành vi phạm tội nào đều được phát hiện ngay sau khi vi phạm. Các nhà làm luật Việt Nam cho phép một khoảng thời gian để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can gọi là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Hy vọng qua bài viết này Luật Nam Phát sẽ giúp mọi người nắm rõ quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định mới nhất hiện nay
Thứ nhất, khái niệm:
– Khái niệm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017: là một khoảng thời hạn nhất định mà đến khi chấm dứt thời hạn này thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Trong đó thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc.
– Thời điểm để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Thời điểm bắt đầu được tính từ ngày người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên trong trường hợp đang trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà luật định nhưng người phạm tội lại tiếp tục phạm tội mới đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự và xét theo khung hình phạt thì mức cao nhất của tội phạm mới trên một năm tù giam thì thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu sẽ được tính lại từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới này.
+ Đối với trường hợp người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội mà người phạm tội bỏ trốn, có quyết định truy nã của cơ quan cảnh sát điều tra thì thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu là từ thời điểm người phạm tội bị bắt hoặc người phạm tội ra đầu thú với cơ quan công an.
+ Thời điểm xác định cụ thể bằng ngày, tính theo năm dương lịch.
Thứ hai, quy định về thời hiệu:
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là năm năm trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.
Phạm tội ít nghiêm trọng là khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi này được xác định là không lớn với các hính thức xử phạt và mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn đến ba năm;
Ví dụ: Anh A phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự. Nếu anh A gây thương tích với tỷ lệ là 12%, rơi vào trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 điều này thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là năm năm.
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm trong trường hợp tội phạm nghiêm trọng:
Trong đó phạm tội nghiêm trọng là khi tội phạm mang tính chất, mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội, có thể bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt từ 03 đến 07 năm tù giam;
Ví dụ: cũng trong trường hợp anh A như trên nhưng gây thưưong tích với tỷ lệ là 34%, thuộc khoản 3 điều này thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm nếu:
Người phạm tội xác định là tội phạm rất nghiêm trọng được xác định là có mức độ và tính chất nguy hiểm cho xã hội rất lớn vối mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
Ví dụ: Anh A gây thương tích có tỷ lệ thương tật là 32% nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm có khung hình phạt cao nhất từ 7 đến 12 năm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm.
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm nếu:
Trong trường hợp xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù từ 15 đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc là tử hình.
Ví dụ: Anh A cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả là làm chết hai người thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm.
Theo đó, nếu hết các thời hạn 05, 10, 15 hay 20 năm đối với các trường hợp phạm tội nêu trên thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ không bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
Đối với một số tội danh nhất định sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm:
– Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 3, 4 Điều 353 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
– Tội nhận hối lộ được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 3, 4 Điều 354 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, bao gồm:
Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội tổ chức, cướng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân;
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, cụ thể bao gồm:
Tội phá hoại hào bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; Tội làm lính đánh thuê.
Đối với các trường hợp này, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tức là cơ quan tiến hành tố tụng có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự bất cứ lúc nào từ lúc có hành vi phạm tội cho đến khi người phạm tội chết.
Thứ tư, các trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự:
– Các trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong giai đoạn tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử mà có căn cứ chứng minh:
+ Tình hình, diễn biến sự việc chuyển biến dẫn đến xác định được hành vi của người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Người phạm tội bị mắc các căn bệnh hiểm nghèo nên không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội từ các hành vi của mình nữa.
– Mặc dù có thể thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên vẫn còn nhưng người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Khi có quyết định đại xá của Chủ tịch Quốc Hội thể hiện sự khaon hồng của Nhà nước;
+ Trong giai đoạn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà có sự thay đổi trong chính sách Nhà nước, quy định của pháp luật dẫn đến hành vi phạm tội được xác định là không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.