Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên để được hưởng các ưu đãi đó doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ
Một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 6 nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
– Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
– Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định;
– Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện đầu tiên đã có thể được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ
Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Hồ sơ xin chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ
Hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ được quy định tại điều 7 nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
a) Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Mẫu số 01)
b) Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
– Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
– Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
– Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
– Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
– Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
– Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
c) Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo (Mẫu số 02).
Ngoài các hồ sơ theo quy định trên, thực tế cần chuẩn bị thêm bản TCCS của sản phẩm khoa học công nghệ, tài liệu mô tả sản phẩm khoa học công nghệ và các tài liệu chứng minh doanh thu từ sản phẩm khoa học công nghệ (hợp đồng, hoá đơn…)
Kết quả khoa học công nghệ là gì?
Kết quả khoa học công nghệ theo quy định tại khoản 2 điều 3 nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
– Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ
– Chương trình máy tính đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;
– Giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ;
– Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luật;
Trình tự chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ
Bước 1: Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ theo hướng dẫn trên tại cơ quan có thẩm quyền
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm xem xét việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi công văn kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ của doanh nghiệp về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan về tên, địa chỉ và danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đó.
Thẩm quyền chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ
1. Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường hợp sau:
a) Các kết quả khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông;
b) Doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập mà đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ;
c) Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
d) Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.