Đề nghị tư vấn:
Công ty chúng tôi muốn kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh nhưng không đủ điều kiện. Chúng tôi dự định ủy thác cho công ty A (có đủ điều kiện) để ký hợp đồng với đối tác. Trên hợp đồng ngoại thương, công ty A ủy thác cho chúng tôi thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp. Xin hỏi chúng tôi làm ủy thác và thanh toán như vậy có được không?
Luật sư tư vấn:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật thương mại năm 2005
– Nghị định 187/2013/NĐ-CP
2. Giải quyết vấn đề
Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau và với các bên có liên quan về việc xác lập, thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại.
Nội dung hợp đồng thương mại thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng đó là các điều khoản do các bên thỏa thuận. Các bên thỏa thuận nội dung càng chi tiết thì việc thực hiện hợp đồng càng thuận lợi, phòng ngừa được những tranh chấp có thể phát sinh. Luật thương mại năm 2005 không quy định bắt buộc các bên phải thỏa thuận những nội dung cụ thể nào nhưng có những điều khoản quan trọng cần phải chú ý là: đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm giao nhận hàng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định về hoạt động ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa như sau:
1. Chủ thể
– Chủ thể uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu: Tất cả các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh trong nước và hoặc giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đều được uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu.
– Chủ thể nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu: Tất cả các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất khẩu đều được phép nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu.
– Điều kiện chủ thể xuất nhập khẩu ủy thác
+ Đối với bên uỷ thác:
– Có giấy phép kinh doanh trong nước và hoặc có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.
– Có hạn ngạch hoặc có chỉ tiêu xuất khẩu, nhập khẩu, nếu uỷ thác xuất nhập khẩu những hàng hoá thuộc hạn ngạch hoặc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã duyệt đối với các mặt hàng có liên quan đến cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân. Trường hợp cần thiết Bộ thương mại có văn bản cho doanh nghiệp được xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác theo hạn ngạch hoặc có chỉ tiêu kế hoạch đã giao cho bên nhận uỷ thác.
– Được cơ quan chuyên ngành đồng ý bằng văn bản đối với những mặt hàng xuất nhập khẩu chuyên ngành.
– Có khả năng thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu uỷ thác.
+ Đối với bên nhận uỷ thác:
– Có giấy phép kinhh doanh xuất nhập khẩu.
– Có ngành hàng phù hợp với hàng hoá xuất nhập khẩu uỷ thác.
2. Phạm vi hoạt động ủy thác
– Uỷ thác và nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hàng không thuộc diện Nhà nước cấm xuất khẩu , cấm nhập khẩu.
Bên uỷ thác chỉ được uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hàng nằm trong phạm vi kinh doanh đã được quy định trong giấy phép kinh doanh trong nước, hoặc trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.
3. Nghĩa vụ các bên
Bên nhận uỷ thác phải cung cấp cho bên uỷ thác các thông tin về thị trường giá cả khách hàng có liên quan đến đơn hàng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu. Bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác thương lượng và ký kết hợp đồng uỷ thác. Quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của hai bên do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng uỷ thác.
Bên uỷ thác thanh toán cho bên nhận uỷ thác và các khoản phí tổng phát sinh khi thực hiện uỷ thác.
Các bên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu uỷ thác phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu do các bên tham gia đã ký kết. Vi phạm những quy định trong hợp đồng tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật và các quy định hiện hành.
Như vậy, trên hợp đồng công ty A ủy thác cho công ty bạn thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp tùy thuộc vào nội dung trong thỏa thuận của hai bên.